SỰ TỰ NHẬN THỨC VÀ LÃNH ĐẠO

 

Nguyễn Đình Phước

 

Sự tự nhận thức là một trong những yếu tố quan trọng nhất của sự thông minh cảm xúc. Nó giúp những người lãnh đạo hiểu rõ và kiểm soát được những cảm xúc và hành động của họ; nó ảnh hưởng đến những cảm xúc và hành động của những người khác. Trong việc lãnh đạo sẽ hiệu quả hơn khi những người lãnh đạo hiểu rõ bản thân mình cũng như đọc được những cảm xúc của những thuộc cấp. Steiner (2015) tuyên bố “Một người tự nhận thức thì trung thực với bản thân và với những người khác. Họ biết những cảm xúc của mình ảnh hưởng đến họ và những người xung quanh như thế nào. Điều đó mở rộng đến các giá trị và mục đích. Họ biết mình đang hướng tới đâu và tại sao. Điều đó thể hiện rõ ràng như sự thẳng thắn.” (trang 40-41). Các nhà lãnh đạo có thể kiểm soát và lựa chọn hành vi mà họ muốn thể hiện. Tự nhận thức giúp các nhà lãnh đạo hiểu họ đang ở đâu, muốn đi đâu và muốn ở đâu. Nếu những người lãnh đạo hiểu được những cảm xúc và suy nghĩ của họ, họ có thể lựa chọn hành động hoặc phản ứng trong một tình huống nhất định. “Các nhà lãnh đạo đích thực có khả năng tự nhận thức đầy đủ vì họ sống theo tín ngưỡng của riêng mình. Họ sống dựa trên con người của chính mình chứ không phải con người mà người khác muốn họ trở thành và họ làm chủ những suy nghĩ, cảm xúc, nhu cầu, mong muốn, sở thích, niềm tin và quá trình của mình.” là một phần trong cuộc sống công việc của họ.” (Akhras, 2016, trang 3). Sự tự nhận thức là ý thức rõ ràng về tính cách, những điểm mạnh, điểm yếu, suy nghĩ, niềm tin, động cơ và cảm xúc. Nó giúp các nhà lãnh đạo biết điều gì thúc đẩy họ và đam mê của họ. Nó dẫn đến các mối quan hệ, cả trong công việc lẫn các mối quan hệ cá nhân, nơi chúng ta có những đóng góp mang tính xây dựng và tích cực.

Những nhà lãnh đạo tự nhận thức hiểu nhu cầu và những cảm xúc của những người khác, chịu trách nhiệm về những sai lầm của mình, khiêm tốn, suy nghĩ chín chắn và nhận thức được ảnh hưởng của những lời nói và hành động của họ đối với những người khác. Kress (2008) đề xuất “Các nhà điều hành làm việc với kèm cặp viên điều hành có thể cải tiến mức độ tự nhận thức của họ. Người ta còn xác định thêm rằng mối quan hệ của các nhà điều hành với kèm cặp viên điều hành đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình cải thiện khả năng tự nhận thức và sự xem xét nội tâm, dẫn đến nâng cao những hành vi tổ chức và lãnh đạo”. (trang 65). Các nhà lãnh đạo tự nhận thức nắm bắt được những cảm xúc và hành vi của họ khi họ phải đối mặt với những tình huống căng thẳng; liệt kê những điểm mạnh và điểm yếu cần cải tiến; tập trung sự chú ý và sự cống hiến cho công việc; suy nghĩ tích cực, tối ưu và sáng tạo; tạo dựng niềm tin với những thuộc cấp và đồng nghiệp; điều chỉnh bản thân để có thể thích ứng với các tình huống khác nhau.

“Những người có khả năng tự nhận thức cao có thể nói một cách chính xác và cởi mở về cảm xúc của họ. Những người có khả năng tự nhận thức thoải mái khi nói về những hạn chế và điểm mạnh của họ. Họ mong muốn nhận được những lời phê bình và sự phản hồi mang tính xây dựng.” (Steiner, 2015, trang 41). Những người lãnh đạo cần nhận thức và phân tích những điểm mạnh và điểm yếu của họ, phát huy những điểm mạnh và hạn chế hoặc loại bỏ những điểm yếu để tăng uy tín của họ với nhân viên. Những người lãnh đạo nên cẩn thận với những lời nói và hành động của mình, điều đó không có nghĩa là họ đang sai. Thay vào đó, nó cho thấy họ quan tâm đến người khác nhưng cũng đừng vội nói hay làm điều gì có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến những thuộc cấp. Họ nên nhận được sự phản hồi khi những người lãnh đạo yêu cầu mọi người phản hồi, họ có cơ hội xem xét hành vi của họ. Ngoài ra, những phản hồi có thể giúp những nhà lãnh đạo nhận ra những điểm yếu mà chính họ không thể tìm ra.