ĐẠO ĐỨC VÀ NHỮNG GIÁ TRỊ CỦA NHÀ TƯ VẤN QUẢN TRỊ

 

Nguyễn Đình Phước

 

Giá trị là niềm tin lâu dài và bền vững về những gì được coi là quan trọng trong các tình huống khác nhau, giúp định hướng các quyết định và những hành động của chúng ta. Nói cách khác, giá trị là sự nhận thức về điều tốt hay điều xấu, đúng hay sai. Giá trị đại diện cho những gì chúng ta muốn và những gì chúng ta phải làm theo cách mà xã hội mong muốn, giá trị sẽ ảnh hưởng đến việc lựa chọn các mục đích và các phương tiện để đạt được những mục đích. Machuca và Costa (2011) đã nghiên cứu bảy giá trị về sự tin cậy, sự minh bạch, sự linh hoạt, sự hợp tác, sự cam kết, sự trung thực, tính chuyên nghiệp ảnh hưởng đến văn hóa tri thức, họ chỉ ra rằng “Kết quả của chúng tôi tiết lộ bảy giá trị được nghiên cứu có tác động đáng kể trong một công ty tư vấn. Các nhà quản trị phải nỗ lực thúc đẩy và đánh giá những giá trị này nhằm tạo ra một nền văn hóa thân thiện với tri thức trong tổ chức của họ.” (trang 36). Cần phải học về giá trị vì giá trị là cơ sở để hiểu thái độ và động cơ của nhà tư vấn và các giá trị này ảnh hưởng đến nhận thức của nhà tư vấn.

McKnight (2010) đề xuất “Đạo đức tốt không chỉ được nhiều người coi là đúng mà còn là những thực hành kinh doanh tốt. Chúng ngang bằng với việc làm tốt công việc cho khách hàng. Bạn làm tốt công việc và nó sẽ được đền đáp trong ngắn hạn và dài hạn .” (trang 219). Trong những tình huống khó khăn, những nhà tư vấn đặt ra những mục đích cụ thể và cung cấp thông tin rõ ràng cho khách hàng, họ sẽ thông báo cho khách hàng về những tình huống thực sự khó khăn và họ sẽ không bao giờ che giấu chúng.

Hagenmeyer (2007) đề xuất “Các nhà tư vấn định hướng trung tín sẽ xác minh xem liệu một tình huống tư vấn thực sự có thực sự tồn tại ngay từ giai đoạn mua lại dự án hay không. Họ sẽ từ chối nhận những công việc có vẻ là tư vấn hoặc thay thế quản trị không có thật hoặc mâu thuẫn với các nguyên tắc kinh doanh có đạo đức và triết lý của họ, nên tập trung vào lợi ích chung”. (trang 112). Những nhà tư vấn luôn áp dụng các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp như họ luôn chịu trách nhiệm về nhiệm vụ của mình; họ có trách nhiệm với những khách hàng, các công ty tư vấn và những đối tác; đáp ứng các yêu cầu chính đáng của khách hàng để phục vụ khách hàng với giá trị và sự tin cậy tốt nhất trước, trong và sau dự án tư vấn; giữ bí mật mọi thông tin của khách hàng, tôn trọng khách hàng; họ chính trực, trung thực; và giữ tính độc lập, khách quan đối với các dự án tư vấn.

Vallini (2007) định nghĩa “Các nhà tư vấn là những người làm việc trí óc. Tất cả họ đều có những mối quan hệ trực tiếp và cá nhân với những khách hàng. Đạo đức của công ty và nhân viên của mình ảnh hưởng đến hành vi đạo đức của họ với khách hàng.” (trang 33). Nghề nghiệp tư vấn không chỉ đòi hỏi những kỹ năng chuyên nghiệp mà còn phải tôn trọng sự đóng góp về mặt đạo đức. Vì vậy, tinh thần nghề nghiệp của cộng đồng vượt xa phạm vi nghề nghiệp. Do đó, nó đảm nhận vai trò rộng lớn hơn trong xã hội.