NĂNG LỰC NHÀ TƯ VẤN QUẢN TRỊ

 

Nguyễn Đình Phước

 

Tư vấn quản trị là một nghề nghiệp đòi hỏi sự hội tụ nhiều năng lực của nhà tư vấn quản trị. Các nhà tư vấn quản trị thường là những người có nhiều kinh nghiệm thực tế trong các lĩnh vực lãnh đạo, quản trị, kèm cặp, giảng dạy và hỗ trợ kinh doanh. Ngoài kiến thức chuyên nghiệp và kinh nghiệm thực tế để thành công khi làm việc với những khách hàng nhà tư vấn quản trị cần có những kỹ năng và năng lực phù hợp. IMC (2002) đã chỉ ra “Thông thường, một nhà tư vấn quản trị sẽ tham gia cung cấp các giải pháp quản trị sự thay đổi cho khách hàng. Điều này sẽ bao gồm việc chứng minh: kỹ năng quản trị sự thay đổi; kiến thức kỹ thuật và kinh doanh; hiểu biết về kinh doanh; quyền sở hữu, quản trị và cung cấp những giải pháp cho những khách hàng; hoàn thành dự án và quản trị rủi; kỹ năng giao tiếp cá nhân xuất sắc; khả năng chuyển giao những kỹ năng cho những người khác; tư duy sáng tạo và phân tích và tuân thủ quy tắc hạnh kiểm và những hướng dẫn đạo đức.” (trang 7). Các dự án tư vấn quản trị sự thay đổi thường là những dự án dẫn đến sự thay đổi mạnh mẽ về phương hướng, cơ cấu, văn hóa, công nghệ, quan điểm, quá trình hoặc phong cách lãnh đạo/quản trị của công ty. Điều này đòi hỏi nhà tư vấn quản lý phải có kỹ năng quản trị sự thay đổi tốt để dẫn dắt dự án thành công đạt các mục tiêu đã xác định và giảm thiểu sự phản đối.

“Xử lý sự phản kháng của khách hàng – một phản ứng có thể đoán trước, bình thường và cần thiết đối với quá trình được giúp đỡ – là kỹ năng quan trọng của các nhà tư vấn hiệu quả. Sự phản kháng có nhiều nguồn gốc, bao gồm cả nỗi sợ mất sự kiểm soát hoặc phải đối mặt với những vấn đề tổ chức khó khăn.” (Học tập được thiết kế). Nhà tư vấn quản trị phải là người có tư duy toàn diện và có hệ thống, có tính đến các yếu tố ảnh hưởng đến những thay đổi được đề xuất cũng như sự tác động tích cực và tiêu cực của những thay đổi này đối với doanh nghiệp đối với thái độ của các nhà điều hành, người quản trị và nhân viên và do đó nó ảnh hưởng đến thành tích của doanh nghiệp.

Reitsma và Léon (2009) đề xuất “những năng lực căn bản của nhà tư vấn, bao gồm thể hiện khả năng phục hồi: sự linh hoạt; phân tích: kỹ năng phân tích, tư duy quan niệm niệm, định hướng học tập, sự sáng tạo; xem xét: sự phán đoán cân bằng, sự nhận thức về môi trường bên ngoài, tạo ra tầm nhìn; tạo điều kiện: lắng nghe, sự nhạy cảm; gây ảnh hưởng: sự truyền đạt, sự trình bày, sự thuyết phục; truyền cảm hứng tự tin: trung tín, sự tin cậy, sự trung thành, tạo một bầu không khí thuận lợi.” (trang 8). Kỹ năng trình bày và thuyết phục – Những chuyên gia tư vấn quản trị có cái nhìn khách quan trong các dự án tư vấn mà họ phải đề xuất những cơ hội và những giải pháp cải tiến quản trị mới. Trong quá trình xây dựng giải pháp, chuyên gia tư vấn quản trị thường được khách hàng yêu cầu cùng họ phân tích và giải quyết vấn đề để tạo ra giải pháp mới. Vì vậy, những kỹ năng trình bày và thuyết phục đóng vai trò quan trọng trong việc giúp khách hàng hiểu và chấp nhận những giải pháp.