SỰ HÒA NHẬP VĂN HÓA

 

Nguyễn Đình Phước

 

Sự hòa nhập văn hóa (cultural immersion) là một phương pháp học hỏi những kinh nghiệm văn hóa và hành vi văn hóa từ những thực hành văn hóa tốt nhất; những người học thực hành, thâm nhập, sống và cư xử phù hợp trong những môi trường văn hóa đa dạng để có được kỹ năng rất đặc biệt này dựa trên những kinh nghiệm thực hành văn hóa quốc tế và kết hợp nó với các lý thuyết/mô hình lãnh đạo xuyên văn hóa.

Smith (2015) tuyên bố “Mục đích của việc hòa nhập văn hóa là sự khám phá. Nó cho phép tìm hiểu sâu về những hành vi, nhu cầu và trải nghiệm của những người khác nhau về văn hóa bằng cách hòa mình vào nền văn hóa của người khác trong một thời gian dài. Những trải nghiệm hòa nhập rất đa dạng. Chúng bao gồm việc nghiên cứu dân tộc học, quan sát và tương tác với những người khác nhau về văn hóa trong những cộng đồng của họ và tham quan các địa điểm có ý nghĩa đáng kể về lịch sử và văn hóa đối với một nhóm nhân khẩu học cụ thể. Những sự tương tác bao gồm các hoạt động cá nhân và nhóm.” (trang 10). “Các chương trình hòa nhập vào những nền văn hóa nước ngoài nhằm giúp các cá nhân có được sự nhạy cảm văn hóa và kiến thức văn hóa.” (Caligiuri, 2006, trang 223). Có nhiều cách để có được những kỹ năng hòa nhập văn hóa. Các nhà lãnh đạo tập sự nên tập trung vào các khu vực địa lý được chỉ định, bao gồm các nền văn hóa, ngôn ngữ, tín ngưỡng và tôn giáo nhất định. Họ quan sát đời sống cộng đồng, các hành vi văn hóa chung và tôn giáo, những hành vi nhóm, tín ngưỡng và phong tục địa phương; phỏng vấn và khảo sát nhu cầu văn hóa; từ những kết quả khảo sát nhu cầu văn hóa, họ dự kiến kế hoạch/chiến lược học tập hòa nhập văn hóa của họ một cách chi tiết; sau đó họ thực hành sự hòa nhập văn hóa từ các nhà lãnh đạo toàn cầu giàu kinh nghiệm. Ngoài ra, họ còn đến thăm và tham dự các bảo tàng nghệ thuật, văn hóa, khảo cổ và lịch sử tại các địa điểm địa phương nhằm tìm hiểu sâu sắc về những nền văn hóa địa phương. Sự tương tác văn hóa được thực hiện trong suốt quá trình học tập hòa nhập văn hóa.

Barden & Cashwell (2013) chỉ ra “Các yếu tố Quan trọng của Sự hòa nhập Văn hóa bao gồm cả hai các yếu tố cấu trúc, chẳng hạn như thời gian/địa điểm hòa nhập, những rào cản ngôn ngữ, tần suất những sự tương tác giữa các nền văn hóa, quy mô nhóm và hoạch định trước chuyến đi, cũng như các yếu tố quá trình, chẳng hạn như sự hỗ trợ của người điều phối, nhấn mạnh vào các quá trình phản ánh, quan tâm đến sự năng động của nhóm, những sự kỳ vọng và các đặc điểm tính cách của các thành viên trong nhóm.” (trang 290). Giai đoạn thiết lập mục tiêu nên được thực hiện sau khi quan sát và khảo sát nhu cầu văn hóa. Các mục đích có thể bao gồm những mục tiêu về kết quả đào tạo hòa nhập văn hóa trước, trong và sau quá trình học tập văn hóa; sẽ học được những kỹ năng nào và bao nhiêu kỹ năng? Người học sẽ sống trong bao nhiêu cộng đồng? Khung thời gian của quá trình học tập hòa nhập văn hóa, v.v. Giai đoạn tương tác như đã đề cập ở trên bổ sung cho quá trình và các yếu tố cấu trúc của Barden & Cashwell (2013). Cuối cùng, kèm cặp viên lãnh đạo sẽ lượng giá những kết quả của quá trình học tập hòa nhập văn hóa về các kỹ năng hòa nhập văn hóa đã đạt được, việc áp dụng, sự tương tác, kinh nghiệm, những mục tiêu và các mục đích; và thực hiện khảo sát ý kiến những người học.