TƯ DUY CHIẾN LƯỢC VÀ LÃNH ĐẠO CHIẾN LƯỢC

 

Nguyễn Đình Phước

 

Rodriguez (2018) đề xuất cần có cả hai khả năng lãnh đạo chiến lược và tư duy chiến lược để xây dựng và thực hiện tầm nhìn; do đó có mối quan hệ giữa tư duy chiến lược (giai đoạn hình thành) và việc thực hiện chiến lược (cần có lãnh đạo). Tư duy chiến lược được thực hiện xuyên suốt quá trình nhìn trước chiến lược, hoạch định chiến lược, thực hiện chiến lược và kiểm soát chiến lược. Ví dụ, trong việc thực hiện chiến lược nếu những mục đích chiến lược, những mục tiêu kinh doanh và những tài nguyên được điều chỉnh theo sự thay đổi của môi trường kinh doanh thì nhà chiến lược sẽ thực hiện tư duy chiến lược để tích hợp các phương pháp/mô hình thực hiện chiến lược phù hợp vào việc thực hiện chiến lược. Letting (2009) đề xuất, “Mối quan hệ giữa chiến lược, lãnh đạo và thành tích cũng được nghiên cứu chứng minh rõ ràng. Tầm quan trọng ngày càng tăng của lãnh đạo và chiến lược trong thành tích của công ty tạo ra mối quan hệ tuần hoàn giữa ba biến số cần được nghiên cứu thêm.” (trang 28). Lãnh đạo chiến lược cũng được thực hiện thông qua nhìn trước chiến lược, hoạch định chiến lược, việc thực hiện và kiểm soát chiến lược. Bởi vì lãnh đạo chiến lược dẫn dắt, đào tạo, điều chỉnh và cải tiến tư duy chiến lược, nhìn trước chiến lược, việc thiết lập tầm nhìn và các mục đích chiến lược, việc thực hiện và kiểm soát chiến lược.

Hadrawi (2018) nêu rõ: “Lãnh đạo chiến lược có nhiều nhiệm vụ và vai trò để thực hiện như tầm nhìn, phát triển lãnh đạo và phát triển chiến lược, trách nhiệm cho việc thực hiện và việc áp dụng chiến lược, xây dựng văn hóa và các tài nguyên, duy trì tính bền vững và xây dựng lợi thế cạnh tranh”. (trang 2). Mối quan hệ giữa tư duy chiến lược và lãnh đạo chiến lược thể hiện ở việc hình thành tầm nhìn, chiến lược lãnh đạo; việc ứng dụng, triển khai, phát triển và thực hiện chiến lược; tư duy chiến lược hỗ trợ tích cực cho lãnh đạo chiến lược nhằm hình thành các ý tưởng chiến lược nhằm xây dựng sự thành công bền vững, những năng lực cốt lõi và lợi thế cạnh tranh. Dragoni (2011) đề xuất, “Có vẻ như nếu ít phụ thuộc hơn vào khả năng ghi nhớ của người trả lời và thước đo phong phú hơn về độ khó cũng như tiềm năng học tập của từng hoạt động công việc, chúng ta sẽ tìm thấy mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa kinh nghiệm làm việc tích lũy và năng lực tư duy chiến lược.” (trang 857). Kinh nghiệm làm việc tích lũy và năng lực tư duy chiến lược được hình thành bởi lãnh đạo chiến lược bao gồm phát triển lãnh đạo và phát triển cá nhân. Mối quan hệ chặt chẽ giữa kinh nghiệm làm việc tích lũy và năng lực tư duy chiến lược chứng minh năng lực lãnh đạo chiến lược.