ĐIỂM MÙ ĐẠO ĐỨC

 

Nguyễn Đình Phước

 

Một số nhà lãnh đạo thực hiện hành vi và ra quyết định phi đạo đức nhưng họ không biết và phát hiện điểm mù đạo đức (the ethical blind spot) hoặc họ biết và xác định điểm mù đạo đức nhưng họ cố ý thực hiện hành vi phi đạo đức một cách có chủ đích, dẫn đến tính mù quáng có động cơ. “Tính mù quáng có động cơ có thể khiến những người ở tầng lớp cao nhất trong xã hội tham gia vào những hành vi mà họ sẽ không bao giờ tha thứ với sự nhận thức tốt hơn.” (Bazerman & Tenbrunsel, 2011, trang 84). Sezer, Gino và Bazerman (2015) xem xét nghiên cứu về hành vi phi đạo đức ngoài ý muốn bằng cách tập trung vào ba nguồn những điểm mù đạo đức: (1) những thành kiến ngầm, (2) khoảng cách tạm thời với một tình huống khó xử về đạo đức và (3) những thành kiến trong quyết định dẫn dắt con người coi thường và đánh giá sai những sai sót đạo đức của những người khác. Gino (2015) gợi ý các bước liên quan đến việc ra quyết định có đạo đức bao gồm sự nhận thức đạo đức, sự phán đoán đạo đức và hành vi đạo đức; hành vi có thể phát sinh thành hành vi đạo đức, hành vi phi đạo đức không chủ ý và hành vi phi đạo đức có chủ ý. Sự nhận thức đạo đức tạo ra sự hiểu biết, tư duy và sự quan tâm đến đạo đức, điều sai và điều đúng; sự nhận thức đạo đức là nền tảng của sự phán đoán đạo đức, hành vi đạo đức và ra quyết định đạo đức nhưng nếu sự nhận thức đạo đức yếu thì đó cũng là nền tảng của sự phán đoán đạo đức sai, hành vi phi đạo đức, hành vi phi đạo đức vô ý và hành vi phi đạo đức cố ý. Vì vậy, hành vi phi đạo đức vô ý bao gồm những điểm mù đạo đức. Những thành kiến ngầm có sự tác động nghiêm trọng đến việc ra quyết định phi đạo đức. Sự nhận thức đạo đức yếu dẫn đến việc phán đoán đạo đức yếu, và việc phán đoán đạo đức yếu dẫn đến người lãnh đạo có hành vi và ra quyết định phi đạo đức một cách vô ý. Tuy nhiên, nếu sự nhận thức đạo đức ở mức vừa phải sẽ dẫn đến hành vi trái đạo đức cố ý, sự nhận thức đạo đức tác động đến sự phán đoán đạo đức tạo nên sự tham gia vào hành vi phi đạo đức.