TƯ DUY CHIẾN LƯỢC

 

Nguyễn Đình Phước

 

Tư duy chiến lược (Strategic thinking) là cách thức, quá trình và năng lực có thể xác định chiến lược phát triển, những điểm mạnh, những điểm yếu của tổ chức và cách thức thường xuyên xem xét môi trường để xác định các cơ hội và các mối đe dọa cần vượt qua để tìm ra cách thức và những giải pháp đưa tổ chức đến thành công. Nuntamanop, Kauranen và Igel (2013) định nghĩa “Tư duy chiến lược là một tập hợp năng lực tác động đến việc hình thành chiến lược và những hành động chiến lược dẫn đến thành tích kinh doanh, trong đó các đặc điểm bao gồm: khả năng tư duy quan niệm, tư duy nhìn xa trông rộng, tính sáng tạo, khả năng tư duy phân tích, khả năng học hỏi, khả năng tổng hợp và tính khách quan.” (tr. 256). Tư duy chiến lược là một sự kết hợp các năng lực tư duy rộng, tư duy sâu và tư duy dài hạn. Thompson và Cole (1997) phân loại “Ba nhóm năng lực: nội dung của những chiến lược thực tế; những năng lực thay đổi chiến lược; và những năng lực học tập chiến lược… Những năng lực nội dung mạnh mẽ và phù hợp sẽ cho phép tổ chức gia tăng giá trị, đổi mới và khai thác kiến ​​trúc bên trong và bên ngoài để thu được lợi ích từ những năng lực công nghệ cũng như các quá trình và những khả năng chiến lược của tổ chức.” (trang 157). Tư duy ở quy mô lớn là một cái nhìn toàn diện và có hệ thống về môi trường mà tổ chức tồn tại, nhìn thấy môi trường đang thay đổi và vị trí mà tổ chức phải đạt được trong môi trường đang thay đổi. Tư duy sâu là sự phân tích sâu sắc về các cơ hội, những thách thức, những điểm mạnh và những điểm yếu của tổ chức, nhìn ra điểm tựa đòn bẩy cho sự tang trưởng của tổ chức. Tư duy dài hạn là khả năng nhìn thấy mục đích phía trước, nhận thức được những xu hướng thay đổi và không ngừng khiến tổ chức thích ứng với môi trường để đạt được mục tiêu mong muốn. Sự kết hợp của ba đặc điểm trên đòi hỏi một tầm nhìn dài hạn về các mục đích mong muốn và cách xử lý các vấn đề một cách tổng thể để đạt được các mục đích này.

Hughes, Beatty và Dinwoodie (2014) định nghĩa “Hành động chiến lược có cả ngắn hạn và dài hạn. Hành động chiến lược là một cơ hội để học hỏi. Các quyết định chiến lược luôn liên quan đến sự không chắc chắn… Hành động chiến lược đòi hỏi phải tuân thủ cả mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Nó không chỉ là đưa ra những kế hoạch dài hạn; nó còn liên quan đến việc làm thế nào để các hành động (các chiến thuật) liên kết với các ưu tiên chiến lược. Hành động một cách có chiến lược đòi hỏi phải có kỷ luật để đầu tư vào cả hiện tại và tương lai, đồng thời đòi hỏi phải có một chiến lược rõ ràng cho mọi người ngay từ đầu.” (trang 105-107). Tư duy chiến lược là một quá trình sáng tạo và đa dạng, chứng minh tầm nhìn của những người lãnh đạo, đòi hỏi họ phải tham gia vào các hoạt động hàng ngày với các mục đích chiến lược dài hạn của tổ chức. Đây là một quá trình trí tuệ và nhận thức nhằm khảo sát cách các tổ chức đổi mới hoặc tổ chức lại để ứng phó với những thay đổi lớn của môi trường.